Trực giác là gì? Lợi ích của việc có trực giác tốt

Trực giác, từ lâu, đã là một khái niệm hấp dẫn và đầy bí ẩn trong lĩnh vực tâm lý học và khoa học. Nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định của con người, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống và công việc. Vậy trực giác là gì? Tại sao một trực giác sắc bén lại có thể mang lại lợi ích lớn trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn? Hãy cùng khám phá và tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Trực giác là gì?

Trực giác là khả năng nhận thức hoặc hiểu biết về một sự việc, vấn đề nào đó mà không cần phải suy nghĩ hay phân tích lý luận một cách có ý thức. Đây là một dạng hiểu biết vô thức và có cảm giác về nó, không phải logic, nên có thể được gọi là linh cảm hay giác quan thứ sáu. Trực giác xuất hiện như một “cảm giác mách bảo” hoặc một quyết định tự nhiên không cần có can thiệp của suy nghĩ có chủ đích.

Kinh nghiệm và cảm xúc là yếu tố mà trực giác của một người dựa trên, cho phép họ đưa ra quyết định nhanh chóng dù tình huống chưa đủ thông tin. Mặc dù không theo logic và khó có thể giải thích, trực giác vẫn có thể mang tính chính xác cao, đặc biệt khi nó được phát triển qua thời gian và kinh nghiệm sống của một người.

Tầm quan trọng của trực giác

1.   Ra quyết định nhanh chóng

Khi ta tin vào vào trực giác của bản thân có thể cung cấp nhiều hiểu biết có giá trị và khiến ta cân nhắc các yếu tố có thể đã bị bỏ qua bởi logic và các dữ liệu. Trực giác giúp ta dự đoán những xung đột tiềm ẩn khi quá trình phân tích dữ liệu trở nên không rõ ràng hoặc xảy ra xung đột. Sự nhanh chóng trong việc ra quyết định có thể tạo ra lợi thế lớn, đặc biệt trong công việc, nơi đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề là yếu tố then chốt để thành công. Những quyết định dựa vào trực giác thường được đưa ra khi các quyết định dựa trên dữ liệu không còn khả năng giải quyết vấn đề.

2.   Cải thiện khả năng giải quyết vấn đề

Trong một số trường hợp có vấn đề phức tạp, trực giác cũng hữu ích trong quá trình tìm ra hướng giải quyết. Bằng việc sử dụng trực giác, ta có thể có những góc nhìn mới, nhận ra các mối liên hệ hoặc khả năng giải quyết vấn đề không theo lối mòn cũ. Bên cạnh đó, trực giác thúc đẩy sự sáng tạo, kích thích sự mới mẻ, đồng thời cổ vũ ta bước ra khỏi khuôn khổ, vùng an toàn của bản thân.

3.   Xây dựng mối quan hệ

Một người có trực giác tốt thường biết cách xây dựng các mối quan hệ xung quanh mình. Trực giác giúp ta hiểu được cảm xúc, nhu cầu và động lực của người khác một cách tốt hơn. Từ đó, ta biết cách giao tiếp hay hành động với đội nhóm, nhà lãnh đạo của mình, biết giới hạn và hiểu được những gì không nên làm, nói ra.

Cách phát triển trực giác tại nơi làm việc

1.   Nâng cao kiến thức và kinh nghiệm

Trực giác hình thành từ kinh nghiệm sống và vốn hiểu biết của mình. Vì thế, nếu muốn bản thân có trực giác tốt, bạn nên tích lũy nhiều kinh nghiệm trong công việc, từ đó sẽ phát triển khả năng nhận định và dự đoán đúng các tình huống. Hãy chủ động học hỏi, tham gia nhiều dự án và thử sức với những điều mới. Bên cạnh đó, hãy không ngừng cập nhật kiến thức chuyên môn và xu hướng trên thị trường.

2.   Chấp nhận rủi ro

Hãy học cách chấp nhận rủi ro có thể xảy ra, nhưng hãy đảm bảo đó là rủi ro được tính toán. Mặc dù logic và quá trình phân tích đóng vai trò quan trọng trong công việc, nhưng đôi khi việc lắng nghe trực giác để đưa ra quyết định lại có ích trong nhiều tình huống. Một quyết định mang tính “linh cảm” không hoàn toàn đảm bảo mang lại cho bạn thành công, nhưng chúng sẽ để lại trải nghiệm, cơ hội học tập từ rủi ro, sai lầm. Đó cũng là kinh nghiệm quý giá bạn có thể tự rút ra cho bản thân mình.

3.   Tìm kiếm sự phản hồi

Một cách tăng cường trực giác tại nơi làm việc đó là tìm kiếm sự phản hồi từ đồng nghiệp hoặc trưởng nhóm, người mà bạn có thể tin cậy. Họ có thể cung cấp cho bạn những thông tin có ích, xác thực trực giác của bạn hoặc đưa ra những góc nhìn thay thế mà bạn chưa từng cân nhắc.

4.   Tập quan sát và phân tích

Trực giác sẽ được phát triển khi bạn biết quan sát và học hỏi từ người khác, các tình huống thực tế xảy ra. Hãy cố gắng chú ý đến các chi tiết nhỏ, vì đó có thể là những dấu hiệu mang lại trực giác cho bạn khi gặp tình huống tương tự. Sau khi đưa ra quyết định bằng trực giác, hãy tự phân tích lại kết quả xem liệu trực giác của mình có đúng hay không. Từ đó, rút kinh nghiệm và cải thiện trực giác cho lần tới.