Franchise là gì? Ưu điểm và nhược điểm của mô hình kinh doanh này là gì?

Từ lâu, mô hình kinh doanh nhượng quyền – Franchise đã luôn có sức hút đối với các chủ doanh nghiệp dày dặn kinh nghiệm và những nhà khởi nghiệp mới. Franchise mang lại nhiều cơ hội cho nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng bên cạnh đó cũng không ít sự cạnh tranh và thách thức. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu thực chất franchise là gì và các điểm mạnh, điểm yếu của mô hình kinh doanh này nhé.

Franchise là gì?

Franchise, hay còn gọi là Nhượng quyền thương mại, là một mô hình kinh doanh trong đó một công ty (bên nhượng quyền) cho phép một cá nhân hay tổ chức khác (bên nhận nhượng quyền) sử dụng thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác, cũng như một số quy trình và hệ thống kinh doanh nhất định.

Franchise có thể bao gồm việc sản xuất và tiếp thị một sản phẩm, dịch vụ theo các tiêu chí đã được thiết lập của bên nhượng quyền. Nói cách khác, bên nhượng quyền cung cấp cho bên nhận nhượng quyền sử dụng mô hình kinh doanh của mình, điều này bao gồm cả tên thương hiệu và quyền được bán các sản phẩm, dịch vụ của mình.

Với mô hình kinh doanh này, bên nhận nhượng quyền sẽ trả một khoản chi phí ban đầu và có thể trả thêm phí theo tỷ lệ doanh thu hoặc chi phí định kỳ. Đổi lại, bên nhận nhượng quyền sẽ có được những quyền lợi như sử dụng thương hiệu có tên tuổi, hỗ trợ về đào tạo, tiếp thị và chiến lược kinh doanh đã được kiểm chứng.

Một số mô hình nhượng quyền điển hình có thể kể đến như chuỗi cửa hàng Starbuck, Pizza Hut, KFC, Mcdonald, Nhà Hàng Nhật Omakase

Ưu điểm của mô hình kinh doanh franchise là gì?

1.   Nhận diện thương hiệu

Một ưu thế lớn của mô hình kinh doanh franchise đó là sự nhận diện thương hiệu. Khi ta bắt đầu một doanh nghiệp từ con số 0, ta phải dành nhiều thời gian và chi phí để tiếp thị doanh nghiệp mới của mình để thương hiệu có dấu ấn trong tiềm thức khách hàng. Với franchise, thương hiệu của bạn đã được thiết lập sẵn và mọi người đã biết đến thương hiệu, họ biết họ có thể mong đợi điều gì ở doanh nghiệp của bạn.

2.   Hỗ trợ hoạt động kinh doanh

Không giống như việc tự khởi nghiệp, nhượng quyền thương mại đi kèm với sự hỗ trợ hoạt động kinh doanh từ bên nhượng quyền. Một số bên nhượng quyền cung cấp đầy đủ thông tin để vận hành doanh nghiệp, một số bên khác cung cấp kiến thức và lời khuyên cho bên được nhượng quyền. Một lợi thế khác là bên được nhượng quyền có thể tìm thấy sự hỗ trợ có ích một cách nhanh chóng trong suốt quá trình sở hữu và điều hành doanh nghiệp.

3.   Bảo vệ pháp lý

Hợp đồng nhượng quyền thường cung cấp sự bảo vệ về quyền lợi pháp lý cho cả hai bên. Bên nhượng quyền đảm bảo các cửa hàng tuân thủ đúng quy định và bên nhận nhượng quyền cũng được bảo vệ khỏi những rủi ro liên quan đến vi phạm hợp đồng hoặc hoạt động bất hợp pháp.

4.   Giảm thiểu rủi ro

Nhìn chung, các doanh nghiệp nhượng quyền có tỷ lệ thất bại thấp hơn so với các doanh nghiệp độc lập. Khi bạn mua một doanh nghiệp nhượng quyền, bạn biết rằng sẽ sở hữu một thương hiệu thành công đã có sẵn lượng khách hàng. Các hoạt động kinh doanh, tiếp thị cũng như thành tựu được minh chứng nên bạn có thể yên tâm về nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ đối với khách hàng.

Nhược điểm của mô hình kinh doanh franchise là gì?

1.   Chi phí ban đầu

Ban đầu, bên nhận nhượng quyền sẽ phải trả một khoản phí nhượng quyền (franchise fee), phí bản quyền định kỳ (royalty fee) và có thể tham gia vào các chương trình quảng cáo chung. Các chi phí này có thể là một gánh nặng tài chính cho những người mới bắt đầu. Nếu chi phí ban đầu và chi phí vận hành cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận nếu bên nhượng quyền không biết cách quản lý tốt.

2.   Hạn chế cơ hội sáng tạo

Khi bạn sở hữu một doanh nghiệp độc lập, bạn có quyền tự do điều hành doanh nghiệp theo bất kỳ cách nào bạn muốn. Tuy nhiên, đối với franchise, bạn phải tuân thủ các quy tắc hiện hành nên bạn sẽ không có nhiều cơ hội sáng tạo trong các hoạt động như tiếp thị, thiết kế logo cho doanh nghiệp của mình.

3.   Không có quyền kiểm soát hoàn toàn

Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát hạn chế đối với hoạt động kinh doanh của các bên nhượng quyền. Bên được nhượng quyền phải tuân thủ các hoạt động quản lý, quy trình và tiêu chuẩn đào tạo, cũng như thời gian hoạt động. Những sản phẩm, dịch vụ bán ra cũng bị giới hạn và phải có sự phê duyệt của bên nhượng quyền.

4.   Khả năng xung đột

Mặc dù lợi ích của việc sở hữu thương hiệu nhượng quyền đó là nhận được sự hỗ trợ của bên nhượng quyền, tuy nhiên điều này cũng có thể gây ra xung đột. Trong một số trường hợp, bên được nhượng quyền có những khía cạnh không đồng ý nhưng họ không có quyền tự thay đổi mà phải tuân theo quy định. Điều này theo thời gian có thể tạo tiền đề cho xung đột tiềm ẩn